SẢN PHẨM TRẢI NGHIỆM

Chưa đầy 2 năm kể từ lúc khai trương, cửa hàng bán sách điện tử trên mạng Skoob do Tập đoàn Viễn thông SingTel đầu tư và điều hành đã quyết định chấm dứt hoạt động vào giữa tháng 9.

Trước đó vài tháng, trang web mang tên Ilovebooks.com của Tập đoàn Truyền thông Mediacorp cũng có số phận tương tự.

Thông tin này nghe có vẻ trái khoáy ở một quốc gia có tỷ lệ người đọc sách và sở hữu các thiết bị điện tử thông minh cao nhất thế giới.

Thống kê ước tính của các nhà xuất bản (NXB) tại Singapore cho thấy sách điện tử chiếm không quá 5% doanh số bán sách.

Theo một số chuyên gia, một trong những nguyên nhân chủ yếu làm thị trường sách điện tử không phát triển được là độc giả trên đảo Sư tử vẫn sẵn sàng bỏ tiền mua sách in dù giá sách điện tử có rẻ hơn.

san pham trai nghiemĐộc giả vẫn sẵn sàng bỏ tiền mua sách in dù giá sách điện tử có rẻ hơn

Và điều này hoàn toàn đúng với cá nhân tôi, bất chấp chuyện cơm áo gạo tiền và thậm chí thỉnh thoảng có thể đọc “chùa” sách điện tử, nhưng có dịp tôi vẫn chạy ra nhà sách mua những quyển sách in mà mình đã từng “lướt” trên trang web.

Bạn có thể bảo tôi không biết tiết kiệm, nhưng sách là một sản phẩm đặc biệt mà một số nhà kinh tế học gọi là “hàng hóa trải nghiệm”.

Không giống như những loại hàng hóa thông thường khác như điện thoại di động, giày dép, quần áo thời trang, sách có những đặc tính mà người tiêu dùng không thể đánh giá ngay từ lúc đầu.

Đối với một quyển sách, độc giả phải “tiêu thụ” rồi mới biết mình có thích hay không.

Theo một số nhà nghiên cứu, độc giả thường mua sách dựa vào lời khuyên của bạn bè hay ai đó tin cậy.

Do đó, việc xem thử, đọc lướt vài trang, vài đoạn là rất cần thiết, nhưng động tác này chỉ có thể thực hiện trong nhà sách, chứ “trải nghiệm” trên trang web không mấy hiệu quả.

Điều khá lý thú ở Singapore là dù Cục Thư viện Quốc gia (NLB) cho biết từ năm 2005 cho đến nay đã xây dựng và lưu trữ hơn 3 triệu đầu sách điện tử, người dân vẫn thích đến thư viện đọc sách in.

Còn tôi, dù có thể mượn sách ở thư viện đem về nhà đọc đến 6 tuần lễ còn sách điện tử cũng miễn phí, nhưng mỗi tháng gia đình tôi đều vào nhà sách ít nhất một lần vào dịp cuối tuần.

Có lúc chúng tôi chẳng mua quyển sách nào mà chỉ là tìm kiếm một tác giả, một tác phẩm cũ/mới nào đó.

Đó là thời gian thoải mái của các thành viên gia đình ở bên nhau, bên ly cà phê, nước trái cây, kẹo bánh hay thậm chí là bữa ăn trưa ở trong hay bên ngoài nhà sách.

nha sach tai Singapore

Một góc cà phê tại nhà sách Kinokunia Singapore

Với nhiều độc giả ở Singapore, nhà sách là một trong những nơi tuyệt vời nhất để thư giãn với những trải nghiệm sống đa dạng sau những giờ làm việc căng thẳng.

Có dịp vào một số nhà sách lớn ở Singapore, bạn sẽ có dịp thấy một số đối tượng mà thuật ngữ tiếng Anh gọi là “deadbeat”, tạm dịch là “kẻ ăn bám” bởi những người này chỉ ngồi gõ máy vi tính xách tay, nhâm nhi cà phê, đủng đỉnh đi qua lại, ngó nghiêng tìm sách hay thậm chí đứng đọc “chùa” cả tiếng đồng hồ.

Nhà sách nào khách hàng đều là những người này thì có nguy cơ sập tiệm sớm, nhất là trong bối cảnh giá thuê mướn mặt bằng ở Singapore rất đắt.

Nhưng nói vậy thôi, dù có một số nhà sách ở Singapore phải đóng cửa một phần vì lý do trên, nhiều nhà sách vẫn tồn tại và giúp độc giả như tôi có những trải nghiệm thích thú.

Ngoài việc bán sách, họ còn có những nguồn thu khác như mở tiệm cà phê, nhà hàng, bán thẻ hội viên, văn phòng phẩm, quà lưu niệm…

Theo thiển ý của tôi, những nhà sách thành công là những nơi người chủ của nó hiểu rõ về bản chất của sản phẩm của mình đang kinh doanh.

Họ không bán sách mà bán những trải nghiệm, trải nghiệm từ tác giả, từ tác phẩm, từ những giá trị nhân văn và điều tốt đẹp của cuộc sống.

LÊ HỮU HUY 

Nguồn: Báo SGGP Đầu tư Tài chính

* * *