HỌC TIẾNG ANH Ở SINGAPORE
Du học sinh (DHS) Việt Nam sang Singapore học tiếng Anh thời gian đầu có thể cảm thấy thất vọng vì ngoài thời gian học trong lớp, cơ hội giao tiếp bằng tiếng Anh không nhiều.
Đi lại bằng tàu điện (MRT) hay xe buýt không gặp trở ngại nhờ các chỉ dẫn với dấu hiệu màu sắc rõ ràng.
Mua sắm vào các cửa hàng hay siêu thị đều thấy giá cả niêm yết cụ thể.
Lúc đói bụng vào khu ăn uống có thể gọi món ăn bằng cách chỉ vào hình chụp minh họa có đánh số và ghi giá.
Cần giao tiếp thì lắm lúc tài xế xe buýt là người Trung Quốc chỉ nói tiếng Hoa hay nhân viên phục vụ tại khu ăn uống hay siêu thị là người Ấn Độ hay Philippines nói tiếng Anh khó nghe.
Môi trường sinh hoạt cũng không khuyến khích nói tiếng Anh:
Bạn bè người Việt xung quanh, khu giải trí ẩm thực mặn nhạt hay đỏ đèn cũng có người Việt, thông tin trên mạng bằng tiếng Việt, xem phim Việt, nghe nhạc Việt, nấu món Việt và tán gẫu trên các mạng xã hội cũng bằng tiếng Việt.
Những DHS Việt Nam mà tôi có dịp trao đổi cho biết chỉ đọc báo mạng tiếng Việt, thông tin bằng tiếng Anh thì thỉnh thoảng đọc trên Yahoo, báo trên mạng.
Ngoài ra, Singapore chỉ cách Việt Nam vài giờ bay nên có dịp nghỉ học là DHS “vù” ngay về thăm nhà.
Ngẫm ra, cái cảnh tôi một mình một ngựa chân ướt chân ráo sang Singapore cách đây hơn 15 năm cũng có cái hay.
Khi đó, Internet hay mạng xã hội cũng chưa phổ biến và tràn lan như bây giờ.
“Thầy” dạy tiếng Anh của tôi là cái tivi 20 inch giúp tôi theo dõi thời sự địa phương và luyện kỹ năng nghe.
Mặc dù thời gian đầu chưa nghe quen với giọng điệu của người Singapore nhưng tôi cũng kịp thời nắm bắt thông tin nhờ bản tin hàng ngày bằng tiếng Anh lúc 9g30 tối trên Kênh 5 có phụ đề bằng tiếng…Anh.
Với tôi, người Singapore đọc tin dễ nghe vì họ phát âm khá rõ và mạnh những âm như “t” hay “s” ở cuối từ.
Tuy nhiên, nếu lấy “chuẩn” tiếng Anh Cambridge thì phần lớn đều phát âm sai như “I do” hay “Schedule” thì họ đọc phẳng lì như tiếng Việt là “Ai đu” hay “Ske-du”.
Kể chuyện cho độc giả “nhí” là hoạt động thường xuyên tại các thư viện cộng đồng Singapore
“Thầy” thứ hai giúp tôi học tiếng Anh là nhật báo The Straits Times (TST) và một số tờ báo, tạp chí trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng.
Thời gian đầu buổi sáng vào cơ quan cầm “tờ” báo đọc có lúc tôi thấy ngán vì nó dày cả trăm trang, lật mỏi tay.
Tôi phải mày mò học cách đọc báo sao cho hiệu quả:
Trước tiên là xem mục lục, sau đó là các đề mục hay tiêu đề rồi sau đó đi sâu vào các nội dung cần quan tâm, tra từ điển, ghi chép…
So với nhiều tờ báo tiếng Anh khác ở châu Á , tin bài của TST thuộc loại dễ đọc, nhất là luôn có bảng biểu, đồ họa, khung ô (box) và chú giải thuật ngữ.
Quảng cáo trên TST màu sắc khá bắt mắt với co chữ to và các câu nút nhấn nhá (punchline) khá thú vị, kể cả mục rao vặt (classified) với nhiều chữ viết tắt theo thông lệ phản ánh khá đời sống và hoạt động kinh doanh đa dạng…
Điều đáng tiếc nhiều DHS Việt Nam ít dành thời gian đọc và khai thác báo giấy cho việc học tập hay làm việc, chưa nói đến chuyện tận dụng hệ thống thư viện mở cửa hàng ngày từ 10 giờ sáng đến 9 giờ tối .
Môi trường giao tiếp của tôi có vẻ thuận lợi vì phải sử dụng tiếng Anh thường xuyên trong công việc.
Nhưng nếu không trang bị cho mình kiến thức và thông tin tổng quát về tình hình chính trị – kinh tế – xã hội, rèn luyện kỹ năng và có số vốn từ vựng căn bản để diễn tả ý tưởng và quan điểm trong công việc thì có lẽ tôi khó tồn tại được về mặt nghề nghiệp.
Mỗi ngày, thậm chí cho đến bây giờ, tôi đều dành 5-10 phút luyện phát âm bằng cách đọc lớn (articulate) vài đoạn trên sách báo.
Dù muốn dù không, tiếng Anh của tôi cũng bị tiêm nhiễm cách phát âm và giọng điệu của người Singapore, thậm chí Singlish.
Hiện có khoảng 85.000 DHS nước ngoài đến học tập tại các trường công lập, tư thục, đại học, cao đẳng và dạy nghề tại Singapore.
4 trong số 100 học sinh trường phổ thông công lập là người nước ngoài, chủ yếu từ Ấn Độ, Trung Quốc.
Nhật báo TST mới đây cũng giới thiệu bà nội trợ người Úc Tina Aitcheson lấy chồng người Anh đến từ London, sau một năm cho hai đứa con của mình học ở trường quốc tế đã chuyển sang trường công lập để hội nhập với môi trường địa phương.
Chương trình dạy tiếng Anh tại các trường công lập của Singapore đã cải tiến khá nhiều, không theo kiểu nhồi nhét, cứng nhắc theo giáo trình khuôn mẫu mà có nhiều tương tác qua các câu chuyện kể.
LÊ HỮU HUY (*)
(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore