ĐIỀU CHỈNH NHỊP SỐNG
“Không nên ngồi hay đứng lâu quá 20 phút, dành nhiều thời gian giải lao và thư giãn trong giờ làm việc, và nhất là mọi cử chỉ hoạt động của ông đều phải chậm lại.”
Pranaw, nam chuyên viên vật lý trị liệu người Ấn Độ tại bệnh viện nói với tôi như thế sau buổi điều trị thoái hóa cột sống lưng và cổ khiến tôi đau nhức tay chân và ngủ không ngon giấc từ nhiều tháng nay.
Nhìn vẻ mặt uể oải mệt mỏi của tôi khi bắt tay chào tạm biệt, anh nói thêm:
“Nói chung, ông phải điều chỉnh lại nhịp sống và không nên đi nhanh quá.
Nếu không, cái đau sẽ tiếp tục đeo đuổi ông trong quãng đời còn lại.”
Không rõ cụm từ “quãng đời còn lại” (the rest of your life) trong tiếng Anh được người phương Tây hiểu như thế nào chứ với tôi sau những cơn đau triền miên khi ngồi làm việc, những giấc ngủ chập chờn, thân mình ê ẩm, tứ chi bải hoải và giờ đây được bác sĩ giải thích về hiện trạng sức khỏe, tôi mới chợt nhận mình đã qua cái tuổi trạc ngoại tứ tuần từ nhiều năm nay.
Ấy vậy mà từ bấy lâu nay tôi vẫn luôn nghĩ mình còn trẻ, mỗi buổi sáng có thể chạy bộ 5-7 cây số, không ngủ trưa và buổi tối chỉ ngủ 4-5 giờ.
Làm chủ doanh nghiệp, tôi cũng chẳng bao giờ có khái niệm ngày nghỉ.
Ngoại trừ những lúc bên gia đình, người thân hay bạn bè, đối với tôi thời gian là tiền bạc và mọi hoạt động của mình đều phải hết sức hiệu quả, nhanh chóng.
Cái phong thái vội vàng của tôi cũng bộc lộ rõ trong buổi điều trị vật lý trị liệu nói trên và giờ đây một trong những giải pháp giúp tôi khỏi bệnh là không nên đi nhanh quá.
Nhưng đi nhanh là một trong những “ưu điểm” của tôi từ thời sinh viên rồi ra trường đi làm.
Nhờ tác phong nhanh nhẹn, tôi được anh chị em trong cơ quan và cấp trên tin tưởng cho đi học thêm nghiệp vụ, giao phó công việc và đề bạt.
Sang Singapore, có lẽ do áp lực và đòi hỏi công việc nơi đất khách quê người, hình như tốc độ đi lại của tôi càng nhanh hơn.
Ng., một khách hàng có dịp sang Singapore, nhận xét rằng tôi đi nhanh quá, đi mà cứ như chạy, người khác đi cùng đuổi theo không kịp.
Còn M., chị đồng nghiệp cũ của tôi thẳng thắn hơn:
“Làm sếp cứ từ từ thôi, nhìn tướng Huy sao mà vất vả quá”.
Lời bình luận này làm tôi nhớ đến lời khuyên của anh bạn đồng nghiệp trong cơ quan cũ:
“Ở Việt Nam mình muốn làm sếp thì phải có “bụng” và đi đứng chậm rãi.”.
Giờ đây tôi đã là “sếp”, nhưng chỉ là doanh nghiệp nhỏ.
Phải chăng vì đi nhanh quá nên tôi không làm sếp công ty lớn chăng?
Chạy bộ là một trong những cách rèn luyện sức khỏe của doanh nhân
Cách đây không lâu, giáo sư tâm lý học người Anh Richard Wiseman đã làm một cuộc khảo sát về nhịp sống đô thị của 32 thành phố trên thế giới, theo đó người ta tính tốc độ đi bộ của 35 người đàn ông và phụ nữ trên vỉa hè có chiều dài 60 feet (18,28m).
Kết quả khảo sát cho thấy nhìn chung đàn ông đi bộ nhanh hơn phụ nữ 25% (12,06 phút) và Singapore đứng đầu bảng tổng sắp (10,55 phút), kế đó là Copenhagen-Đan Mạch (10,82 phút), Madrid-Tây Ban Nha (10,89 phút), Quảng Châu-Trung Quốc (10,94 phút); London-Anh chỉ đứng thứ 12 (12,17 phút)…
Khảo sát nói trên có chính xác lắm không chứ nhịp sống hối hả bận rộn từ lâu đã trở thành một phần của văn hóa Singapore.
Du khách nước ngoài đến Singapore có thể dễ dàng thấy các đồng hồ đếm ngược chờ đèn đỏ băng qua đường.
Đi tàu điện ngầm, chưa vào trong ga bạn sẽ thấy bảng thông báo bên ngoài cho biết mấy phút nữa tàu đến để có thể đi nhanh cho kịp chuyến.
Hệ thống xe buýt còn hiệu quả đến nỗi hành khách có thể dùng điện thoại truy cập thông tin về thời gian cần chờ chuyến xe buýt sắp tới.
Người Singapore đang hối hả băng qua đường
Thế nhưng lối sống hướng đến hiệu quả của người Singapore đã kéo theo nhiều hệ lụy xã hội, trong đó có việc cân bằng công việc và cuộc sống.
Chuyện làm thêm hay công việc đeo đuổi bạn về đến nhà là chuyện không cần bàn cãi.
Các bậc làm cha mẹ dành thời gian rất ít cho con cái và thậm chí cũng không có nhiều thời gian cho người thân.
Quan hệ gia đình cũng dễ bị rạn nứt do các thành viên không có thời gian giao tiếp với nhau. Trách nhiệm chăm sóc con trẻ được chuyển giao cho người phụ giúp việc nhà.
Trẻ em đi học chẳng sung sướng gì hơn khi được giao bài tập quá khó về nhà và phải đi học thêm, chưa kể các hoạt động ngoại khóa.
Con gái tôi năm nay 12 tuổi lên lớp 6 và cuối năm nay trải qua kỳ thi tốt nghiệp tiểu học (PSLE) ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường và điều kiện học tập khi lên trung học.
Vợ chồng tôi cũng bị cuốn theo không khí căng thẳng và lo lắng chung của các bậc phụ huynh Singapore.
Nào là phải chi thêm tiền học thêm, phân công phân nhiệm để lo cho con ở nhà, rồi có khi vợ chồng cơm không lành canh không ngọt do không thống nhất chuyện dạy con.
Nhưng dù sao chúng tôi chưa phải lâm vào tình huống của một vài người bạn Singapore là vợ hay chồng phải nghỉ việc để ở nhà chăm sóc con, chuẩn bị cho kỳ thi PLSE.
Sức khỏe của tôi cũng dần dần hồi phục sau một thời gian điều trị bằng thuốc men, vật lý trị liệu, nghỉ ngơi thư giãn và nhất là điều chỉnh lại nhịp sống.
Giờ đây để có thể viết lách hay làm việc hiệu quả, tôi phải chịu đứng lên ngồi xuống nhiều lần để “nghỉ ngơi” theo gợi ý của bác sĩ.
Có khi tôi đang đứng hay ngồi làm việc tay chân bị tê cứng và có khi phải tìm cách trong giờ giải lao tìm chỗ tập luyện các động tác vật lý trị liệu.
Một tư thế vật lý trị liệu cho bệnh nhân thoái hoái cột sống lưng
Một tư thế vật lý trị liệu cho bệnh nhân thoái hoái cột sống lưng
Những lúc có việc gấp phải đi nhanh quả thật cơn đau trở lại nhiều như lời “phán” của anh Pranaw.
Gừng già có thể cay nhưng quả thật sức khỏe không còn được như xưa, nhất là phải đi chậm lại chứ không còn tác phong nhanh nhẹn như trước đây.
Và bây giờ tôi mới thấm thía câu ngạn ngữ Italia biết được từ thời sinh viên cách đây hơn 25 năm:
“Chi va piano, va sano.
Chi va sano, va lontano”
(Ai đi chậm thì đi an toàn.
Ai đi an toàn thì đi xa).
LÊ HỮU HUY
Nguồn: Báo SGGP Đầu tư Tài chính